Những bài học sâu xa châm biếm rút ra từ Tây Du Ký

Tây Du Ký là một tác phẩm văn học kinh điển của Trung Quốc kể về hành trình thầy trò Đường Tăng trải qua 81 kiếp nạn đi đến Tây Trúc - Ấn Độ thỉnh kinh mang về Trung Quốc phổ độ chúng sinh. Tây Du Ký thuộc thể loại thần thoại, phiêu lưu, viễn tưởng, nên trong truyện có rất nhiều tình tiết không hợp lý và phi logic. Ngoài những ý nghĩa sâu xa khác mà tác giả muốn truyền tải, ông còn muốn mượn truyện để châm biếm tình trạng xã hội nhà Minh lúc bấy giờ.
Tôn Ngộ Không
*Ý nghĩa sâu xa châm biếm

Đường Tăng trên đường đi thỉnh kinh gặp phải rất nhiều yêu quái những con yêu quái này một số thích kết hôn với Đường Tăng, số còn lại muốn ăn thịt Đường Tăng để được trường sinh bất lão.
Quốc Vương nước Tỳ Khưu nghe theo tên yêu quái đạo sĩ dùng tim của 1111 đứa trẻ con bào chế thuốc chữa bệnh, ông thậm chí còn muốn lấy tim của Đường Tăng
Ý nghĩa:
Chế nhạo hoàng đế Minh Thế Tông tôn sùng đạo giáo, từ bỏ trách nhiệm với đất nước để đi luyện đan dược trường sinh, ông đã nghe theo lời đạo sĩ bắt hàng ngàn trinh nữ từ các địa phương rồi đưa vào cung, dùng kinh nguyệt của trinh nữ làm thành phần để bào chế thuốc trường sinh.

Trên đường đi thỉnh kinh, mặc dù không phải là người có năng lực trừ yêu, diệt quái nhưng nhiều lần Đường Tăng không nghe theo lời khuyên của Ngộ Không để lòng tốt và cảm xúc của mình quyết định dẫn đến hậu quả bị yêu quái lừa bắt đi mất. Đường Tăng còn nghe theo lời Bát Giới xúi giục đi ra khỏi vòng trừ yêu do Ngộ Không vẽ ra mắc bẫy của yêu quái.
Ý nghĩa:
Chế nhạo hoàng đế nhà Minh u mê, cố chấp, không phân biệt được thật giả đúng sai, nghe theo lời nịnh thần và bọn đạo sĩ làm những việc trái với đạo lý.

Tôn Ngộ Không là con khỉ được sinh ra từ một hòn đá do trời đất tạo thành mang sức mạnh siêu nhiên được Bồ Đề Tổ Sư truyền dạy phép thuật, Tôn Ngộ Không ỷ mình có tài không tuân thủ phép tắc làm loạn thiên cung còn muốn thay Ngọc Hoàng làm Vua nên bị Phật Tổ phạt tội đè dưới chân núi Ngũ Hành 500 năm.
Ý nghĩa:
Vào thời nhà Minh những kẻ thích tự do nổi loạn, tạo phản, chống lại những quy luật của triều đình cuối cùng đều sẽ bị giết hoặc thu phục.

Tôn Ngộ Không hết lòng bảo vệ Đường Tăng đi thỉnh kinh hàng ma phục yêu nhiều lần phát hiện ra yêu quái giả dạng thành thôn nữ, trẻ em, lão phụ, lão ông chuẩn bị ra tay giết yêu quái thì bị Đường Tăng ngăn cản khiển trách là giết người vô tội, không những vậy còn bị Quan Âm Bồ Tát đeo vòng kim cô khiến Tôn Ngộ Không không thể phát huy hết khả năng của mình.
Khi được Thái Bạch Kim Tinh mời lên thiên đình làm quan, mặc dù rất tài giỏi nhưng Tôn Ngộ Không chỉ được bố trí làm chức chăn ngựa, cai quản vườn đào tiên.
Ý nghĩa:
Những người tài giỏi làm những việc thiết thực ở triều đại nhà Minh luôn bị kìm hãm không thể phát huy hết khả năng nhưng khi gặp chuyện quan trọng luôn là người đầu tiên đứng ra xử lý chịu trận.

Tôn Ngộ Không chuẩn bị giơ gậy giết yêu quái sẽ luôn có một vị thần đến can ngăn và cứu chúng, những yêu quái này đều là người thân, thú cưng của các vị thần mặc dù chúng đã tàn sát nhiều người vô tội nhưng cũng không phải chịu hình phạt nào quá nặng.
Ý nghĩa:
Châm biếm tình trạng xã hội đen tối, độc chiếm quyền lực, con ông cháu cha, những kẻ làm việc xấu thường là những tên có liên quan đến triều đình.

Trư Bát Giới tham lam, ích kỷ, lười biếng, mê gái, lẻo mép, xu nịnh khi Tôn Ngộ Không bảo vệ nhắc nhở Đường Tăng những yêu quái nguy hiểm, con lợn này luôn lảm nhảm bên tai Đường Tăng khiến Đường Tăng phân tâm không nghe theo lời khuyên của Tôn Ngộ Không, đến khi gặp yêu quái thường là người chạy nhanh nhất, khi có đồ ăn cũng dành phần ăn nhiều nhất.
Ý nghĩa:
Trong một triều đình mà nhà vua u mê, cố chấp không phân biệt được đúng sai thì cái xấu sẽ lên ngôi, những tên quan nắm giữ vị trí cao trong triều thường là những tên chỉ giỏi xu nịnh, vơ vét, ham mê dâm dục nhưng luôn được sung sướng ăn no, ngủ kỹ, không làm được gì có lợi cho đất nước.

Sa Tăng tốt bụng, cần mẫn, chăm chỉ, trung thực không có năng lực như Tôn Ngộ Không cũng không xấu tính lẻo mép giống Trư Bát Giới anh làm những công việc thể chất như gánh hành lý, dắt ngựa, luôn trung thành với Đường Tăng nhiệt tình giúp đỡ sư huynh Tôn Ngộ Không trừ yêu diệt quái.
Ý nghĩa:
Những người thật thà, trung thực không có tài năng nổi trội thường phải làm những công việc nặng nhọc như: giúp việc, khuân vác, bưng bê hoặc quân lính.

Bạch Long Mã dọc đường không ngại vất vả một lòng làm thú cưỡi đưa Đường Tăng đi lấy kinh, mặc dù trên đường đi rất ít khi nói nhưng mỗi lần sư phụ gặp nguy hiểm đều xả thân giúp đỡ. Có một lần ở nước Bảo Tượng, Bạch Long Mã biến thành cung nữ đấu ma vương, tuy rằng bị đánh bại, nhưng cũng giúp một phần sức lực.
Ý nghĩa:
Bạch Long Mã đại diện cho những người dân thuộc tầng lớp thấp nhất bị cai trị dưới thời nhà Minh luôn phải chấp nhận những đạo luật hà khắc, bị chèn ép mà không dám phản kháng, hàng ngày chỉ biết lao động vất vả đóng thuế cho triều đình.

Trên đường đi lấy kinh có rất nhiều hòa thượng ham tiền, háo sắc. Khi thầy trò Đường Tăng đi đến Quan Âm viện, chủ trì là một tên tham lam thu thập rất nhiều của cải, khi thấy Đường Tăng có áo cà sa quý ông sẵn sàng châm lửa giết thầy trò Đường Tăng để lấy áo. Hay như tên yêu quái Hoàng Mi ở Tiểu Lôi Âm biến hóa thành Phật Tổ để làm điều xấu hại Đường Tăng.
Ý nghĩa:
Ám chỉ nhiều hòa thượng lợi dụng, đội lốt nhà phật làm những chuyện sai trái, truyền bá mê tín dị đoan đi ngược lại với đạo lý nhà phật, lợi dụng sự tin tưởng của người dân nhằm mục đích trục lợi.

*Năm thầy trò Đường Tăng đại diện cho Thân, Tâm, Tình, Tính, Ý thể hiện 5 tính cách khác nhau của con người, có thể coi họ là một

Đường Tăng đại diện cho thân xác, lòng tốt, sự yếu đuối, cố chấp của con người.
Tôn Ngộ Không đại diện cho bộ não, trái tim, sự tinh khôn của con người.
Trư Bát Giới đại diện cho những thói hư, tật xấu của con người.
Sa Tăng đại diện thái độ làm việc cần cù chăm chỉ, bản chất thật thà và trung thực của con người.
Bạch Long Mã đại diện cho ý chí con người, quyết tâm vượt qua khó khăn.

*Thiên Đình và Linh Sơn

Thiên Đình đại diện cho đạo giáo, được ví như là bộ máy nhà nước dùng pháp luật để cai trị, Tôn Ngộ Không là người theo chủ nghĩa tự do, nổi loạn không tuân thủ luật pháp nên đã bị trừng trị. Linh Sơn đại diện phật giáo hướng con người đến nhận thức chân lý, hay còn gọi là tỉnh thức giác ngộ.
Đạo giáo rất ít khi cho con người ta sửa đổi bản thân, Phật giáo dù có sai lầm đến đâu cũng cho người ta cơ hội sửa đổi, quay đầu.

Truyện Tây Du Ký cuối cùng đã kết thúc thành công thầy trò Đường Tăng đã lấy được kinh và truyền bá phật pháp giúp chúng sinh bớt đau khổ, điều này cũng nói lên rằng tác giả Ngô Thừa Ân vẫn còn hy vọng vào xã hội lúc bấy giờ và mong được nhìn thấy ánh sáng một lần nữa.