Truyền Thuyết Hồ Gươm

Vào thời giặc Minh đô hộ nước Nam, chúng coi dân ta như cỏ rác, làm nhiều điều bạo ngược. Bấy giờ có nghĩa quân Lam Sơn nổi dậy chống giặc nhưng do thế lực còn yếu nên nhiều lần bị giặc đánh cho tan tác. Thấy vậy Đức Long Quân quyết định cho nghĩa quân mượn gươm thần để đánh giặc.
Hồ Gươm
Khi ấy vua Lê Lợi cùng người ở trại Mục sơn là Lê Thận là bạn keo sơn. Một đêm nọ Thận đi đánh cá, thấy đáy nước sáng như bó đuốc soi, quăng chài kéo lên chỉ được một mảnh sắt dài hơn một thước, thấy lạ đem về cất ở xó nhà. Một hôm Thận cúng giỗ nhà vua tới thăm nhà, thấy mảnh sắt phát sáng, nhà vua bèn hỏi: Mảnh Sắt nào đây?
Thận nói: Đêm trước quăng chài bắt được. Nhà vua nhân xin lấy. Thận liền cho ngay. Nhà vua đem về đánh sạch rỉ, mài cho sáng, thấy nó có chữ “Thuận Thiên”, cùng chữ “Lợi”. Lại một hôm, nhà vua ra ngoài cửa, thấy một cái chuôi gươm đã mài dũa thành hình, nhà vua lạy trời khấn rằng: Nếu quả là gươm trời cho, thì xin chuôi và lưỡi liền nhau! Bèn lấy mảnh sắt lắp vào trong chuôi, thành ra một chiếc gươm hoàn chỉnh.

Lê Lợi với gươm báu trong tay tung hoành khắp các trận địa, đánh trận tới đâu thắng tới đó, làm cho quân giặc kinh hồn bạt vía, cuối cùng đuổi sạch quân Minh ra khỏi bờ cõi.

Sau khi đánh đuổi giặc Minh, vua Lê Lợi cưỡi thuyền rồng dạo quanh hồ Tả Vọng. Nhân dịp đó Long Quân sai rùa vàng lên đòi lại thanh gươm thần. Thuyền rồng tiến ra giữa hồ, thấy con rùa lớn xuất hiện, vua lệnh cho thuyền đi chậm lại. Rùa vàng tiến về phía vua và nói: Xin bệ hạ hoàn gươm lại cho Long Quân". Lưỡi gươm thần đeo bên người vua tự nhiên động đậy, vua nâng gươm hướng về phía rùa vàng, rùa vàng lập tức há miệng đớp lấy thanh gươm và lặn xuống nước.

Từ đó hồ Tả Vọng bắt đầu mang tên là Hồ Gươm hay hồ Hoàn Kiếm.