Sự tích Trầu Cau

Ngày xưa ở một làng nọ, có hai người anh em tên là Tân và Lang giống nhau như hai giọt nước, đến nỗi chính người nhà cũng nhiều phen nhìn lầm. Cha họ là một người cao to nhất trong vùng từng được vua Hùng triệu về Phong Châu ban thưởng và đặt tên là Cao. Từ đó gia đình lấy họ "Cao".
Cây Cau
Cha mẹ không may mất sớm nên hai anh em rất mực yêu thương đùm bọc nhau. Thấy anh em nhà họ Cao chăm chỉ, con gái nhà họ Lưu đem lòng yêu mến muốn kén người anh làm chồng. Để phân biệt được người nào là anh, người nào là em cô gái nghe theo cha múc hai bát cháo mời hai anh em ăn nhưng chỉ để một đôi đũa. Thấy người em mời anh dùng trước nên cô biết người anh là Tân, cô gặp gỡ Tân hai người đem lòng yêu nhau và lấy nhau.

Khi lấy vợ rồi, Tân luôn chăm sóc thương yêu vợ. Hai anh em gắn bó với nhau từ bé, thấy Tân không còn quan tâm mình như xưa nữa nên rất buồn tủi. Tân thì bận nhiều công việc nên không hiểu được em.

Một hôm Lang từ ngoài đồng trở về nhà, người vợ tưởng là chồng mình nên chạy ra ôm chầm lấy Lang. Cùng lúc ấy, Tân cũng về tới thấy vợ mình ôm Lang nên tức giận từ đó lại lạnh nhạt với Lang hơn nữa. Lang ngày càng buồn tủi nên quyết định ra đi. Không biết phải đi đâu về đâu, Lang nhìn hướng trước mặt đi tới mãi. Đi tới một dòng suối lớn, quá mệt mỏi Lang ngồi gục trên bờ sông, ôm mặt khóc. Chàng khóc mãi mặc mưa, mặc nắng, thời gian trôi qua Lang biến thành một tảng đá.

Mãi không thấy em về nhà Tân lo lắng, chợt hiểu ra tất cả bèn chạy đi tìm em. Tân tìm kiếm khắp nơi cuối cùng cũng đến chỗ dòng suối mà Lang đã hóa đá. Tân đứng bên cạnh hòn đá khóc mãi cho đến lúc chết và hóa thành một cây thân mọc thẳng lên trời, bên cạnh hòn đá.

Vợ Tân chờ mãi không thấy chồng về, cũng bỏ nhà đi tìm. Nàng cũng tới con sông khóc cạn cả nước mắt và chết hóa thành một cây dây quấn quanh lấy cây kia.

Đợi mãi không thấy ba người về, vợ chồng họ Lưu nhờ mọi người chia nhau tìm kiếm. Trước hòn đá và hai cây lạ, họ dựng miếu thờ cả ba người trẻ tuổi ở ven sông. Nhân dân quanh vùng gọi là miếu "anh em hòa thuận, vợ chồng tiết nghĩa".

Một năm nọ trời hạn hán rất dữ chỉ có hai cây mọc bên cạnh hòn đá trước miếu là vẫn xanh mượt. Vua Hùng một hôm ngự giá qua xứ đó. Khi đi qua trước miếu, vua ngạc nhiên hỏi: "Miếu này thờ vị thần nào? Mấy loại cây này ta chưa từng thấy bao giờ?". Lạc tướng cho gọi mấy cụ già ở quanh vùng đến hỏi. Vua Hùng nghe chuyện vô cùng cảm động. Vua sai lính hái thử một lá nhỏ của dây leo, một quả nhỏ của cây mọc thẳng, rồi cả hai được vua nhai nhuyễn thấy có mùi thơm cay nồng, khi nhổ nước bọt xuống tảng đá thì lại chuyển sang màu đỏ. Vua liền nghĩ ra cách hòa hợp ba thứ ấy nên cho dân vùng đó nhân giống trồng thật nhiều cây, nung đá thành vôi và hái lá xanh ăn cùng những quả nhỏ kia tạo nên một tập tục gọi là: "Tục ăn trầu"

Cho đến ngày nay, trầu cau vẫn là thứ không thể thiếu việc giao hiếu, kết thân và cưới hỏi của người Việt.